Hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thêm niềm vui, hứng thú khi đến trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động ngọai khóa, phù hợp với điều kiện thực tế, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội, có thêm niềm vui, hứng thú khi đến trường.

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ðắk Glong (Ðắk Glong), hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động như: nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nói không với thuốc lá, quyền trẻ em; các cuộc thi về phòng chống HIV/AIDS, an toàn giao thông…

Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Đắk Som (Đắk Glong) thường tổ chức các hội thi để rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh

 

Các đội văn nghệ, cồng chiêng cũng được thành lập để vừa tạo điều kiện, thu hút học sinh sinh hoạt vừa giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Còn tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Ðắk Mil) lại giáo dục học sinh tinh thần yêu nước bằng việc tổ chức cho các em nhận chăm sóc nhà ngục Ðắk Mil.

Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) thì cùng với việc thường xuyên vận động học sinh thực hiện chiến dịch “Thắp lửa trái tim hồng” bằng cách tiết kiệm, quyên góp quần áo, sách cũ để tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thì hàng năm đều tổ chức lễ tri ân-trưởng thành cho học sinh khối lớp 12.

Hay Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở xã Ðắk Som (Ðắk Glong) lại thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, cờ vua, toán, tiếng Việt, aerobic…để học sinh vừa chơi vừa học, rèn luyện các kỹ năng ghi nhớ, sinh hoạt tập thể.

Có thể nói, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa một cách sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của trường và học sinh. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, tham gia từ thiện, gây quỹ, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, làm vệ sinh môi trường, tham quan các làng quê, các di tích lịch sử, văn hóa… đã giúp học sinh bổ sung kiến thức xã hội, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt còn khuyến khích học sinh tiếp cận khoa học, sưu tầm những bài toán vui, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân, các nhà khoa học, phục vụ việc học tập tốt hơn.

Ðặc biệt, từ khi ngành giáo dục phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động tập thể cho học sinh.

Vào dịp khai giảng năm học mới hay kỷ niệm các ngày lễ lớn, các trường đã lồng ghép tổ chức trò chơi dân gian, hát dân ca, đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Tiếng hát hoa phượng hồng”… thu hút nhiều học sinh tham gia.

Ðến nay, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập đội văn nghệ, đưa trò chơi dân gian vào trường học và thường xuyên tổ chức các hoạt động sưu tầm các bài đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian, các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, sáng tác thơ ca.

Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục-Ðào tạo thì các hoạt động ngoài giờ lên lớp không chỉ rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh mà còn góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số.

Qua việc tổ chức các hoạt động cũng đã góp phần giáo dục đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh. Chính vì vậy, ngành luôn khuyến khích các trường đa dạng hóa các hoạt động ngoài giờ để tạo ra các tiết học sinh động, gắn liền với thực tế, giúp học sinh có thêm niềm vui, hứng thú khi đến trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền