THÀNH TỰU 10 NĂM PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC CỦA TỈNH ĐĂK NÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

                                                 ThS Nguyễn Văn Hòa
                                              Phó Giám đốc Sở GDĐT

Sau ngày thành lập (01/01/2004), sự nghiệp giáo dục của tỉnh Đăk Nông bắt đầu khởi điểm mới, với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay chăm sóc của nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực sáng tạo vươn lên của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo các thế hệ học sinh, sự nghiệp giáo dục Đăk Nông đã có những thành tựu quan trọng:

  1  Quy mô giáo dục tăng trưởng mạnh, mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng, nếu như năm học 2003-2004, toàn tỉnh chỉ có 174 cơ sở giáo dục, với 105.020 học sinh các cấp học; thì đến nay, đã có 358 cơ sở giáo dục (tăng 105%, chưa kể 71 trung tâm học tập cộng đồng), với 148.825 học sinh (tăng 41,7%). Sau 10 năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch hệ thống, thành lập mới, điều chỉnh và bố trí các điểm trường, cấp học. Đến nay, hệ thống trường học của tỉnh được mở rộng tương đối hợp lý; bình quân mỗi đơn vị cấp xã có 1,3 trường mầm non, 2,1 trường tiểu học, 1,2 trường trung học cơ sở và 01 trung tâm học tập cộng đồng; bình quân mỗi đơn vị cấp huyện có 03 trường trung học phổ thông, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên và 01 trường phổ thông dân tộc nội trú. Hệ thống trường ngoài công lập được hình thành (14,3% trường mầm non) cùng với hệ thống công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Tiêu biểu về phát triển quy mô giáo dục là các huyện Cư Jút, Đăk Mil, ĐăkR’Lấp.

2  Mục tiêu phổ cập giáo dục được duy trì, tăng cường bền vững; hơn 79,5% trẻ từ 3 đến dưới 6 tuổi được chăm sóc và giáo dục, 99,3% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trên 99,6% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và trên 89% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10; có trên 81% thanh niên 18 tuổi tốt nghiệp THCS và trên 94% người lớn biết chữ. Năm 2009, tỉnh Đăk Nông đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hiện nay, tỉnh đang tập trung ưu tiên các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả phổ cập giáo dục không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà quan trọng hơn là đã làm chuyển biến mạnh ý thức và trách nhiệm của người dân đối với giáo dục, cha mẹ ngày càng quan tâm chăm lo việc học hành của con em hơn.

3  Cơ sở vật chất trường học được đầu tư, các điều kiện bảo đảm dạy và học ngày càng tốt hơn. Quán triệt sâu sắc quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, chính quyền và nhân dân đã tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thu hẹp tình trạng phòng học tạm bợ, duy tu sử dụng 53,2% phòng học bán kiên cố, tăng dần số lượng phòng học kiên cố trên 41,3%. Sau 10 năm, hầu hết các trường học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã có đủ diện tích, khuôn viên trường học tương đối khang trang; bình quân mỗi lớp có trên 0,8 phòng học; nhiều trường mầm non, tiểu học đã có đủ cơ sơ vật chất để tổ chức học bán trú; 96% các trường trung học phổ thông từng bước được đầu tư chuẩn hoá và hiện đại các phòng học bộ môn; 100% trường học các cấp học có phòng vi tính hoặc máy vi tính được nối mạng phục vụ tốt công tác quản lý và dạy học,… Đến nay, tỉnh ta đã có 64 trường đạt chuẩn quốc gia (18% các trường trong tỉnh).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển mạnh. Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, quy mô đội ngũ giáo viên các cấp tăng 2,2 lần, chỉ riêng giáo viên mầm non tăng hơn 3,3 lần; hầu hết các trường có đủ giáo viên thực hiện chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (định mức giáo viên/ lớp của Giáo dục mầm non là 1,45, tiểu học là 1,39, trung học cơ sở là 2,0 và trung học phổ thông là 2,4). Thông qua các chương trình đào tạo nâng cao, bồi dưỡng thường xuyên, đên nay có trên 99,8% giáo viên của tỉnh ta đã đạt chuẩn đào tạo sư phạm, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục liên tục tăng cường về số lượng, năng lực lãnh đạo và kỹ năng quản lý; bình quân mỗi cơ sở giáo dục có trên 2,3 cán bộ quản lý.  Điều đáng ghi nhận là từ chỗ chỉ có số lượng ít giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi thì qua 10 năm, toàn ngành đã có 1.445 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 12 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Cũng trong 10 năm qua, toàn ngành đã có 1.212 cán bộ, giáo viên được biểu dương vì có những đề tài, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy và quản lý.

5  Chất lượng chính trị của các cơ sở giáo dục, của công chức, viên chức giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ta đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, các cấp ủy Đảng địa phương đã tích cực bồi dưỡng phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, xây dựng tổ chức đảng trong các trường học. Từ khi chỉ có 17% nhà giáo là đảng viên, nhiều trường học không có cơ sở đảng, sau 10 năm, toàn ngành đã có trên 34,8 % công chức, viên chức là đảng viên, gần 92% trường học có cơ sở đảng; trên 90% cán bộ quản lý được đào tạo lý luận chính trị.

6   Công bằng trong giáo dục ở tỉnh Đăk Nông ngày càng tốt hơn, trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận giáo dục ngày càng nhiều, càng thân thiện hơn. Trong 10 năm qua, tỉnh Đăk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ưu tiên như: tăng tỷ suất đầu tư phát triển giáo dục vùng khó khăn, mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc độ tuổi mầm non, tiểu học, thực hiện nhiều chính sách cấp sách vở cho học sinh dân tộc, giải quyết kịp thời các chế độ hỗ trợ học tập, hỗ trợ ăn trưa,…; tăng cường các chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục với các tổ chức đoàn thể, xã hội trong việc vận động trẻ em đi học, chăm sóc trẻ em trong kỳ nghỉ hè,… Chính những tác động này đã tăng thêm cơ hội học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngày nay, trẻ em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ có ở thị xã, thị trấn mà đã mở rộng ở các bon, thôn vùng xa xôi; nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường trên 33,5%.

7   Hoạt động xã hội hóa giáo dục ngày càng hiệu quả hơn, nhân dân chăm lo nhiều hơn đến việc học hành của con cái, cùng với Nhà nước hiến đất để mở rộng diện tích trường học, huy động tiền của để tài trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng “Xanh – Sạch – Đẹp – chuẩn hóa và hiện đại”; các Tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội ngày càng tích cực tham gia giám sát hoạt động giáo dục, đồng thời chủ động tham gia các chương trình phối hợp giáo dục. Vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh ngày càng phát huy, là thành viên không thể thiếu trong quá trình giáo dục học sinh, xây dựng phát triển nhà trường.

8  Môi trường giáo dục ngày càng lành mạnh hơn, mô hình “Trường học thân thiện”, “Trường học mới” đã làm thay đổi nhiều hoạt động sư phạm, dân chủ trong trường học được mở rộng, học sinh đang ngày càng trở thành chủ thể trung tâm của các hoạt động giáo dục. Ban đại diện cha mẹ học sinh và Hội phụ huynh học sinh ở nhiều trường học đã phát huy vai trò là lực lượng giáo dục quan trọng trong Hội đồng nhà trường, chung tay cùng giáo viên xây dựng nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, năm 2013, tỉnh ta đã có trên 81% trường học được đánh giá có môi trường giáo dục thân thiện.

9  Các phong trào thi đua tổ chức ngày càng chặt chẽ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ở từng cơ sở. Nét nổi bật là phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt” đã trở thành truyền thống, xuyên suốt mọi hoạt động của ngành; tạo động lực và phát triển ý thức tự giác của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành. Các nhà trường duy trì phong trào thi đua “Hai tốt” với nhiều nội dung cụ thể, hình thức phong phú, linh hoạt với nhiều chủ đề, chủ điểm; trọng tâm đổi mới phương pháp dạy –  học; ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; tổ chức câu lạc bộ, ngoại khoá,… Phong trào thi đua được thực hiện lồng ghép với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn kết với cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tất cả đã tác động tích cực và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện về chất lượng giáo dục.

10   Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến. Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn ngành giáo dục trong 10 năm qua, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học; cải tiến kiểm tra, đánh giá học sinh; bàn giao và cam kết nâng cao chất lượng; đổi mới tuyển sinh và thi tốt nghiệp, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp theo các chủ đề giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống,… Chính vì vậy, chất lượng giáo dục của tỉnh Đăk Nông có chuyển biến theo từng năm, tỷ lệ học lực yếu, kém của học sinh các cấp giảm rõ rệt. Năm đầu thành lập tỉnh, chúng ta chỉ có gần 7% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào vào đại học, cao đẳng, đến nay tỷ lệ nay tỷ lệ này tăng lên 36,8%, xếp thứ 50 của cả nước.

Bên cạnh những thành tích to lớn trên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta nhận thấy rằng, trước yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục Đăk Nông còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, trong chỉ đạo điều hành; chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi chưa đạt yêu cầu; chất lượng giáo dục vùng khó khăn còn hạn chế; kết quả phổ cập giáo dục ở các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn bấp bênh; cơ sở vật chất nhiều trường học mầm non, tiểu học còn thiếu thốn; còn thiếu hụt hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Vì vậy, bước vào giai đoạn mới, ngành giáo dục cần phải sớm khắc phục hạn chế trên, tự hào những thành tựu đạt được, phát huy truyền thống “Nhân ái yêu thương con người, tự học, tự rèn nhân cách sư phạm, đoàn kết – nỗ lực – sáng tạo” của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về  “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.